Ngày cập nhật: 02/10/24
Gia hạn bảo hiểm y tế đúng hạn rất quan trọng để người tham gia tiếp tục được hưởng các quyền lợi trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc hệ thống BHYT. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ quy trình gia hạn loại bảo hiểm này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết các bước gia hạn thẻ bảo hiểm y tế để bạn có thể tự thực hiện cho bản thân và người thân.
Giới thiệu về việc gia hạn bảo hiểm y tế
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc áp dụng cho những đối tượng được chỉ định nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe do Nhà nước thực hiện. Bảo hiểm y tế được triển khai trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Đây là một hành động đầy tính nhân văn của Nhà nước, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Có hai hình thức tham gia bảo hiểm y tế: Bắt buộc và tự nguyện. Cụ thể như sau:
- Bảo hiểm y tế bắt buộc: được tổ chức và quản lý bởi Nhà nước, áp dụng cho các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiệm y tế.
- Bảo hiểm y tế tự nguyện: do các công ty bảo hiểm tư nhân cung cấp và chi trả, dành cho những đối tượng không thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Bảo hiểm y tế giúp người tham gia bảo vệ sức khỏe khi gặp phải những rủi ro liên quan đến sức khỏe, bệnh tật hay tai nạn. Do đó, khi bảo hiểm y tế hết hạn, người tham gia cần nhanh chóng thực hiện gia hạn để tiếp tục hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh như sau:
– Lựa chọn lại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu: Đây là nơi người tham gia đăng ký khám chữa bệnh đầu tiên trong thời gian tham gia bảo hiểm y tế. Khi gia hạn, người tham gia có thể lựa chọn lại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu theo nhu cầu và khả năng của mình.
– Được khám chữa bệnh: Khi gia hạn bảo hiểm y tế, người tham gia sẽ tiếp tục được hưởng quyền khám chữa bệnh theo dịch vụ được quy định bởi Bộ Y tế. Người tham gia có thể khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc được chuyển tuyến theo chỉ định của bác sĩ.
– Được thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế: Người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế theo mức hưởng khác nhau tùy thuộc vào loại hình dịch vụ và loại hình người bệnh tham gia. Theo Điều 22, Luật BHYT năm 2014 và quy định tại Điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng dao động từ 40% đến 100% chi phí khám chữa bệnh.
– Được giải thích, cung cấp thông tin về các quy định, quy trình, biểu mẫu liên quan đến quyền lợi, khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế của các tổ chức hoặc cá nhân liên quan.
Nếu không gia hạn bảo hiểm y tế, điều này có nghĩa là bảo hiểm y tế của người tham gia sẽ hết hạn và không được hưởng các quyền lợi nêu trên. Do vậy, người tham gia khi thấy thẻ bảo hiểm y tế sắp hết hạn cần tiến hành các thủ tục gia hạn để đảm bảo quyền lợi y tế cho bản thân.
Các cách gia hạn thẻ BHYT
Nếu bạn tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bạn chỉ cần tới Đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH gần nhất. Sau đó, bạn hãy thông báo số BHXH (cung cấp mã thẻ BHYT cũ), nộp tiền đóng BHYT là hoàn thành thủ tục gia hạn bảo hiểm y tế.
Trong trường hợp bạn không có thời gian hoặc điều kiện để thực hiện gia hạn trực tiếp, bạn có thể gia hạn thẻ BHYT trực tuyến thông qua ứng dụng Internet Banking của một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Để thực hiện, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng Internet Banking của ngân hàng Vietcombank, BIDV hoặc MB trên smartphone.
- Bước 2: Chọn mục Thanh toán rồi chọn Bảo hiểm xã hội cá nhân.
- Bước 3: Chọn nhà cung cấp Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Trong mục Chọn Dịch vụ, bấm chọn Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và chọn thời gian gia hạn 3-6-12 tháng, tùy theo nhu cầu của bạn.
- Bước 4: Nhập số sổ Bảo hiểm xã hội hoặc số thẻ Bảo hiểm y tế. Kiểm tra thông tin thanh toán và nhấn Xác nhận. Sau khi xác thực mã OTP, giao dịch sẽ được tiến hành và bạn đã hoàn tất thủ tục gia hạn bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, với cách gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trực tuyến như đã mô tả, người dân sẽ không được áp dụng mức giảm trừ khi đóng bảo hiểm y tế. Để được hưởng quyền lợi này, bạn cần gia hạn trực tiếp tại đại lý thu BHXH, BHYT nơi đăng ký tham gia, hoặc tại bưu điện.
Ngoài cách gia hạn trực tuyến qua Internet Banking, người tham gia còn có thể gia hạn bảo hiểm y tế tại Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Đây là trang web chính thức của Nhà nước cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến liên quan đến bảo hiểm xã hội. Các bước gia hạn thẻ bảo hiểm y tế trên trang web như sau:
- Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Nếu bạn chưa có tài khoản, hãy tạo tài khoản mới bằng cách nhấn vào mục Đăng ký ở góc trên cùng bên phải trang web. Nếu bạn đã có tài khoản, đăng nhập vào tài khoản của mình.
- Bước 2: Sau khi click vào mục Đăng ký, chọn đối tượng đăng ký (Cá nhân/Cơ quan, tổ chức), sau đó bấm Tiếp và điền đầy đủ thông tin vào Tờ khai. Cuối cùng, bấm Ghi nhận để hoàn tất việc đăng ký.
- Bước 3: Sau khi đăng nhập/đăng ký tài khoản thành công, tại Trang chủ, chọn Đóng BHXH điện tử. Sau đó, chọn “Gia hạn thẻ BHYT theo HGĐ tích hợp giảm trừ mức đóng” hoặc “Đóng tiếp BHXH tự nguyện”.
- Bước 4: Điền đầy đủ thông tin cá nhân (nếu chọn “Đóng tiếp BHXH tự nguyện”) hoặc thông tin chủ hội và thành viên hộ gia đình (nếu chọn “Gia hạn thẻ BHYT theo HGĐ tích hợp giảm trừ mức đóng”). Nhập số tháng cần gia hạn và chọn “Xác nhận” để hoàn tất.
- Bước 5: Sau khi thông tin được xác thực, chọn ngân hàng thụ hưởng của cơ quan BHXH. Sau đó, bạn chọn “Thanh toán”. Màn hình sẽ hiển thị danh sách ngân hàng và trung gian thanh toán. Người tham gia có thể chọn một trong hai hình thức. Sau khi thanh toán thành công, chọn “In biên lai” để lưu giữ hóa đơn.
Mức đóng BHYT
Từ năm 2024, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới (2,34 triệu đồng) theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024. Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay như sau:
- Mức đóng BHYT theo hộ gia đình: Người đầu tiên phải đóng 4,5% mức lương cơ sở/tháng. Người thứ hai, ba, tư sẽ đóng lần lượt 70%, 60% và 50% mức đóng của người đầu tiên. Từ người thứ 5 trở đi, mức đóng sẽ là 40% mức đóng của người đầu tiên.
Thành viên hộ gia đình | Hệ số so với lương cơ sở | Tiền đóng BHYT (VND/năm) |
Người thứ nhất | 4,5 | 1.263.600 |
Người thứ hai | 3,15 | 884.520 |
Người thứ ba | 2,7 | 758.140 |
Người thứ tư | 2,25 | 631.800 |
Người thứ năm trở đi | 1,8 | 505.400 |
- Mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên: Đây là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Học sinh và sinh viên sẽ tham gia BHYT tại trường học và không tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng là 3,15% mức lương cơ sở. Có ba phương thức gia hạn mà học sinh và sinh viên có thể lựa chọn theo nhu cầu: gia hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.
Hình thức gia hạn | Số tiền HSSV đóng (70%) | Số tiền nhà nước trợ giá (30%) | Tổng mức đóng BHYT |
3 tháng | 221.130 | 94.770 | 315.900 |
6 tháng | 442.260 | 189.540 | 631.800 |
12 tháng | 884.520 | 379.080 | 1.263.600 |
Tra cứu thông tin BHYT
Người tham gia bảo hiểm y tế có thể tra cứu thông tin liên quan đến bảo hiểm của mình theo các bước sau:
- Bước 1: Truy cập mục “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT” tại trang web Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
- Bước 2: Tại mục “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”, nhập đầy đủ thông tin gồm mã số thẻ BHYT (cả chữ và số), họ tên và ngày/tháng/năm sinh. Tick chọn “Tôi không phải là người máy” và bấm “Tra cứu”.
- Bước 3: Màn hình sẽ hiển thị thông tin liên quan như giá trị sử dụng thẻ BHYT (còn hiệu lực/hết hạn), mã số nơi khám chữa bệnh ban đầu, thời hạn thẻ và thời điểm đủ 5 năm liên tục.
Những câu hỏi thường gặp
Cần làm gì khi bị mất thẻ BHYT?
Theo Công văn số 2701/BHXH-TST, nếu người tham gia bị mất hoặc hỏng thẻ bảo hiểm y tế giấy và không sử dụng điện thoại thông minh thì có thể đến cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất để thực hiện thủ tục đổi lại thẻ (không thay đổi bất kỳ thông tin nào), không phân biệt nơi thường trú hay tạm trú.
Làm sao để thay đổi thông tin cá nhân trên thẻ BHYT?
Để thay đổi thông tin cá nhân trên thẻ BHYT, người tham gia cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Tờ khai tham gia và điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).
- Căn cước công dân hoặc hộ chiếu được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền (nếu có thay đổi trong họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch). Nếu là Đảng viên, cung cấp thêm lý lịch Đảng viên.
- Quyết định (văn bản) chứng minh địa điểm làm việc (nếu có thay đổi nơi làm việc).
Người tham gia BHYT nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua bưu điện, hoặc trực tuyến tại Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam là hoàn thành thủ tục. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ xử lý và trả kết quả bằng hình thức mà người tham gia đã chọn.
Những trường hợp nào được hưởng quyền lợi BHYT?
Các đối tượng sau sẽ được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh khi tham gia BHYT đúng tuyến:
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan đang công tác trong lực lượng công an nhân dân.
- Người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, lão thành cách mạng, thương bệnh binh với tỷ lệ sức khỏe từ 81% trở lên.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
- Người có chi phí cho một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở và được khám chữa bệnh tại tuyến xã.
- Người đã tham gia BHYT liên tục trong 5 năm trở lên, mức cùng chi trả cho khám chữa bệnh đúng tuyến tối đa trong 1 năm tương đương 6 tháng lương cơ sở.
Riêng các trường hợp sau sẽ được giảm 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu khám, chữa bệnh đúng tuyến:
- Người đang hưởng lương hưu hoặc các trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng.
- Người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại vùng điều kiện kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Đối với khám, chữa bệnh trái tuyến, người tham gia sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Giảm 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.
- Giảm 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.
- Hưởng quyền lợi tương tự như khám, chữa bệnh đúng tuyến cho người sống tại xã đảo, huyện đảo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo vùng kinh tế khó khăn.
Đối tượng nào được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí?
Có 6 đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí do cơ quan BHXH chi trả, bao gồm:
- Người hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Người đang nhận trợ cấp BHXH hàng tháng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang nhận trợ cấp hàng tháng theo quy định của Chính phủ.
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc và đang nhận trợ cấp BHXH hàng tháng.
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Có 21 nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ, bao gồm:
- Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu (quy định tại Điều 2 Nghị định 70/2015/NĐ-CP).
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc và đang nhận trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
- Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang nhận trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước.
- Người có công với cách mạng (quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14).
- Cựu chiến binh (quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).
- Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP).
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
- Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
- Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 (các điều chỉnh, bổ sung tại Điểm b Khoản 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP), người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ.
- Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.
- Thân nhân của liệt sĩ, bao gồm: Cha mẹ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi liệt sĩ.
- Thân nhân của người có công, ngoại trừ các đối tượng quy định tại mục 12 nêu trên.
- Thân nhân của quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.
- Người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng.
- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách nhà nước.
- Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP).
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH.
- Vợ hoặc chồng của liệt sĩ tái hôn đang hưởng trợ cấp hàng tháng (theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14).
- Người phục vụ người có công đang sống trong gia đình.
- Người dân tại xã an toàn khu, vùng an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp – Mỹ đang cư trú tại các xã an toàn khu cách mạng.
Xem thêm:
Mong rằng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn nắm rõ cách gia hạn thẻ bảo hiểm y tế để có thể tự thực hiện cho bản thân hoặc giúp đỡ những người xung quanh. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ ngay!
Link tham khảo: Website Bảo hiểm xã hội Việt Nam – mục Tin tức Lĩnh vực Bảo hiểm y tế và Chuyên trang hỏi đáp BHXH, BHYT
Link tham khảo:
- https://baohiemxahoi.gov.vn/chuyen-trang-bhxh-bhyt/tu-van-hoi-dap/Pages/default.aspx?ItemID=42176
- https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/linh-vuc-bao-hiem-y-te.aspx?ItemID=23247&CateID=169
- https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx
Ngày tham khảo: 13/09/2024.